Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

Hoài cảm Tết

Có lẽ mãi sau này, sẽ chẳng bao giờ tôi quên được hình ảnh hàng năm, khoảng sau ngày ông táo cưỡi cá chép về trời, vào một ngày bắt đầu lắc rắc những giọt mưa xuân, tôi thường lẽo đẽo đạp xe cùng cha ra cây đào nguyên gốc. Chiều hôm đó, bên ánh lửa  bập bùng và tiếng lục bục sôi của nồi bánh chưng ngoài hè, hai cha con lụi hụi trồng cây đào non một dải trầu bà - Và thế là, từ góc nhà, nơi năm nào cũng vậy, chỗ chậu cây được đặt vào, bỗng bừng lên một cảnh sắc mới, một không khí mới, nồng ấm tràn ngập căn phòng, mà ai ai cũng đều cảm nhận: Tết đã về!

Dường như cái nghĩa "ăn" chỉ chứa đựng một phần trong cái sự "ăn tết" của người Việt Nam ta. Phần còn lại bao hàm nhiều hơn, đấy là ý nghĩa về một cuộc sống văn hóa, tinh thần. Một nếp sinh hoạt truyền thống có tự bao đời. Sửa sang, trang hoàng lại cửa nhà ngày tết là một công việc không thể thiếu, nằm trong cái ý nghĩa thứ hai ấy. Nó là niềm vui, là cái thú của mọi gia đình. "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi", dù nghèo khó hay sang giàu, năm hết tết đến ai cũng muốn mang lại một màu sắc mới, một không khí mới cho nơi ăn chốn ở của mình. Vào những ngày này, dưới mỗi mái nhà ta đều cảm nhận được một cái gì đó rất khác ngày thường, đấy là một không gian nội thất nồng nàn, ấm cúng và rất thiêng liêng. Nó được tạo nên từ sự chuyển biến của tiết trời, từ cái lành lạnh, ẩm ướt của mùa xuân, tự sự rộn rạo, hào hứng của con người trong cái dìu dịu  huyền bí  của mùi trầm. Cái "không khí" ấy còn được tạo ra từ những đồ vật lặng im: Cái lư hương, bộ đỉnh đồng mới được đánh bóng lại mỗi năm chỉ có một lần, từ mâm ngũ quả được xếp đặt rất khéo, rất trang nghiêm và đẹp mắt trên bàn thờ. Từ góc nhà, nơi đặt một chậu mai vàng và trên sàn, vương vãi những vỏ hạt dưa...
Vào những ngày tết người ta thường muốn hướng tâm linh mình trở về nguồn cội. Do vậy vào những ngày này, tôi thích được đến chơi một nhà ai đó, để khi bước vào phòng khách được ngồi quây quần bên một  bộ trường kỷ cũ, hay một bộ salon gỗ với những nét sắc sảo, được làm ra từ hai bàn tay của những người thợ tài hoa ở một làng nghề, sàn trải thảm bằng cói thủ công với những hoa văn giản dị. Ở góc phòng, ngoài hàng hiên, là một chậu đào, chậu mai, chậu quất được đặt trên đôn bằng sứ Bát Tràng. Và trên tường "tưng bừng" những bức tranh gà lợn Đông Hồ, biểu hiện một ước nguyện sung túc cho một năm mới bắt  đầu  hay một lễ hội dân gian. Đó đây rất đúng chỗ điểm một vài bức thư pháp mực nho trên giấy dó, đẹp về tạo hình, uyên thâm về ngữ nghĩa. Và không thể thiếu là một mùi hương trầm thoang thoảng từ trên bàn thờ. Ngồi nhấm nháp từng ngụm nhỏ tách trà ngan ngát hương sen trong căn phòng như thế, lòng ta như đê mê đi với một cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản, trong cái ấm áp của một không gian nội thất thấm đậm nhân tình.
Đời sống kinh tế bây giờ thay đổi nhiều, cái sở thích về sự ăn, sự chơi cũng đã rất khác xưa. Cái "nhẩn nha" thời trước dường như cũng không còn mấy nữa. Bây giờ cái gì cũng sẵn hơn, cũng nhanh hơn, cũng nhiều hơn, tiện lợi và đầy đủ đến tuyệt hảo. Nhưng hình như vào những ngày tết, cái không khí "khang khác" ngày thường cứ rơi vãi dần đi. Nhà mới nhiều, ngày nào cũng đẹp , cũng sạch, cũng hoa lá đủ cả rồi, đến cái cảm xúc về tết cứ ngày một nhạt dần, cái không khí tết trong mỗi gia đình đã nhiều thay đổi..
Ngày tết ở nhiều nhà, trên bàn thờ là rượu tây, là những hộp chocola đắt tiền, ngon và thật là sang, nhưng sao tôi vẫn nhớ những cái tết thời khó khăn xa xưa ở Hà Nội, nhớ cái hộp mứt tết và một cành đào giản dị. Thuở ấy, chỉ nội hai thứ đó  thôi đã gây một xúc cảm thật đặc biệt không có ở ngày thường. Xúc cảm "Tết", cái xúc cảm cứ mãi đằm thắm trong nỗi nhớ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét